|
29/06/2024
SỐNG CÓ LÝ TƯỞNG LÀ NHƯ THẾ NÀO
SỐNG CÓ LÝ TƯỞNG LÀ NHƯ THẾ NÀO
Giáo sư Trần Đại Nghĩa từng từ bỏ mức lương 22 lạng vàng (quy đổi hiện nay là khoảng 1,1 tỷ đồng) mỗi tháng tại Pháp để trở về phục vụ Việt Nam. Thậm chí, theo nhiều thông tin, trước khi giáo sư trở về Việt Nam, ông đã được đề xuất nâng lương lên tới 28 lạng vàng mỗi tháng (khoảng 1,4 tỷ đồng), kèm theo đó là một ngôi nhà riêng ở ngoại ô Paris và một vị trí cấp cao trong Viện hàng không vũ trụ Pháp (SUPAERO). Nói vui một chút, bao nhiêu người trong chúng ta có thể từ chối một đãi ngộ khủng khiếp đến mức như thế?
Nhiều giáo sư cấp cao tại Pháp mà chàng trai Phạm Quang Lễ quen biết đều hứa hẹn những vị trí cao tại các viện nghiên cứu ở Pháp, rồi giới thiệu cho anh những cô gái Pháp hoặc châu Á để lập gia đình và kết hôn. Nhưng trên tất cả, anh chàng vẫn hướng về Việt Nam.
Từ nhỏ, Phạm Quang Lễ đã yêu thích vũ khí, muốn chống giặc nhưng ông lại nhút nhát và không giỏi ăn nói. Khi ông nhìn những chiến sĩ du kích dùng những vũ khí thô sơ, hoặc chỉ trông chờ vào cướp của giặc, Phạm Quang Lễ đã nghĩ rằng phải làm một điều gì đó để thay đổi thực trạng này. Rồi trong 11 năm ở Pháp, nhờ nền tảng khoa học cực chắc chắn, mối quan hệ rộng khắp, học nhiều trường và một vài “thủ thuật”, chàng trai quê Vĩnh Long đã nghiên cứu và thu thập được rất nhiều tài liệu về súng ống chất nổ, đạn dược, xe quân giới… Ví dụ như anh chàng này học ngành xây dựng để nghiên cứu thêm về công trình quân sự, học cầu đường để tìm hiểu về thuốc n,ổ... Trong Thế chiến II, Phạm Quang Lễ còn liên lạc với cả nhóm lính thợ Đông Dương để tìm hiểu về quy trình tác chiến, sản xuất vũ khí quy mô lớn... Rồi nhờ học quá giỏi nên dễ dàng mượn được tài liệu từ thủ thư và các bạn sinh viên Pháp với danh nghĩa nghiên cứu và tìm hiểu.
Năm 1942, Phạm Quang Lễ sang Đức làm tại xưởng chế tạo máy bay Halle ở miền Trung nước Đức và Viện nghiên cứu vũ khí Leipzig. Sau đó, ông trở về Pháp làm tại hãng máy bay Sud Aviation… Trong hành trình mấy ngàn ngày ấy, ông đã tích lũy được gần 1 tấn tài liệu, giấy tờ liên quan đến khoa học, kỹ thuật quân sự.
Trong khi phần lớn những người từ các nước thuộc địa được đi học ở chính quốc chìm vào trong sàn nhảy, gái gú và cuộc sống thoải mái, thì Trần Đại Nghĩa lại luôn nói không. Với mỗi chúng ta, vượt qua được cám dỗ cuộc đời đã là một việc vô cùng khó khăn, mà đã vượt qua lại còn được sống theo lý tưởng, thì không có bút mực nào ghi được hết.
Thời gian đầu ở Pháp và Đức, Phạm Quang Lễ biết về Nguyễn Ái Quốc, thậm chí biết rất rõ nhưng Nguyễn Ái Quốc thì không. Anh chàng vừa làm, vừa học, vừa nghiên cứu và vừa theo dõi những gì mà Nguyễn Ái Quốc làm. Liệu con người này có xứng đáng, đủ tài, trí và năng lực để Phạm Quang Lễ dốc lòng trở về nước phục vụ hay không? Và phần còn lại, như chúng ta thường nói, là lịch sử.
Sinh thời, giáo sư Trần Đại Nghĩa có một câu nói nổi tiếng:” "Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”.
Nhưng thực ra, nếu xét cả danh tiếng, quyền lực, tầm vóc, sự ghi nhớ muôn đời, sức ảnh hưởng và sự thừa nhận thì giáo sư đều hơn tất cả những người bạn của ông ở bên Pháp cộng lại. Thậm chí là hơn rất xa, xa đến mức ngay cả những giáo sư, bạn bè đồng nghiệp người Pháp của ông đều ngạc nhiên và khâm phục khi biết rằng người mà họ từng biết, đã từ bỏ “tất cả những gì người ấy có ở Pháp”, để tham gia vào một đội quân nhỏ bé, rồi đánh bại chính quốc gia hùng mạnh của họ ở Đông Dương…. Rồi hai mươi năm, khi mà những người bạn ở bên Pháp của giáo sư Trần Đại Nghĩa dần nghỉ hưu, thì ông vẫn tham gia nghiên cứu cách đánh B52, cải tiến SAM-2, khắc chế tên lửa AGM-45 Shrike và xóa nhiễu máy bay Douglas B-66 Destroyer…
Rồi khi kết thúc cuộc đời, những người bạn của ông đều không được nhớ tới. Còn ông thì mãi mãi tồn tại trong hành trình kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Tên ông được đặt cho hàng chục ngôi trường, đường và phố…
Nếu ở Pháp, chắc chắn giáo sư Trần Đại Nghĩa sẽ có tiền bạc, danh vọng, sự ổn định và thoải mái đến cuối cuộc đời, sẽ không phải trải qua cuộc sống thiếu thốn và khó khăn, sẽ không phải lo rằng có thể sẽ mất mạng giữa rừng hoang vu Tây Bắc hoặc chẳng còn gì trong tay nếu cách mạng thất bại… Nhưng đó chỉ là nếu mà thôi…
 Giáo sư Trần Đại Nghĩa (ngồi hàng thấp nhất, đeo kính, tay cầm mũ cười tươi), phục chế bởi bác Tiến Nguyên.
Huỳnh Phương
|
|
-
Đang online:
1
-
Hôm nay:
1
-
Trong tháng:
1
-
Tất cả:
1
|
|